Skip to Content

Giới thiệu chung Giới thiệu chung

Xã Ngũ Hiệp là 1 trong 16 xã thuộc huyện Cai Lậy. Đây là xã Cù lao nằm trên sông Tiền ở phía Nam của huyện Cai Lậy, cách trung tâm huyện lỵ Cai Lậy khoảng 10km. Diện tích tự nhiên tính đến 2010 là: 2.780 ha trong đó diện tích đất nông nghiệp là 1.655 ha chiếm 59,54%, và diện tích đất phi nông nghiệp là 1.125 ha, chiếm 40,46% diện tích tự nhiên. Xã có vị trí thuận lợi về giao thông thủy, là địa bàn tiếp giáp với tỉnh Bến Tre, vị trí địa lý được xác định như sau:

- Phía Bắc giáp xã Tam Bình, Long Trung và Hội Xuân huyện Cai Lậy.

- Phía Đông giáp huyện Châu Thành.

- Phía Nam giáp tỉnh Bến Tre.           

- Phía Tây giáp xã Tân Phong huyện Cai Lậy.

Xã có vị trí thuận lợi phát triển nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch; lượng phù sa dồi dào từ 2 con sông lớn nên thuận lợi cho phát triển vườn cây ăn trái, nhất là đối với cây đặc sản sầu riêng và nuôi trồng thuỷ sản.

Xã có tuyến tỉnh lộ 868 đi ngang nối với tỉnh Bến Tre và tuyến đường huyện 70, đây là những tuyến đường vành đai quan trọng vận chuyển hàng hoá và lưu thông, tạo điều kiện phát triển kinh tế ở xã; đường huyện lộ 70 bao quanh xã với chiều dài gần 18km. Toàn xã có 33 cây cầu chính được xây dựng kiên cố; 6 tuyến đường liên ấp, trong đó có 1 tuyến đường nhựa, 5 tuyến đường bêtông và đường đất tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại và thông thương.

Hệ thống đê bao chống lũ hoàn thiện trên các trục giao thông ở các ấp dài 66,67km, các tuyến đê bao cặp sông Năm Thôn dài 13,59km, các tuyến đê bao cặp sông Tiền dài 14,16km. Các công trình đê bao, thủy lợi cơ bản đáp ứng 85% nhu cầu tưới tiêu cho sản xuất, tiêu thoát nước, phòng chống triều cường, lũ lụt....

Những thay đổi về địa giới hành chính trong lịch sử.

Theo Địa chí Tiền Giang, cuối thế kỷ XVIII, cù lao có năm làng: An Thủy Đông, An Thủy Tây, Hòa An, Long Phú và Tân Sơn, vì vậy nên có tên là Cù lao Năm Thôn.

Dưới thời Gia Long, cù lao Năm Thôn thuộc tổng Kiến Lợi, huyện Kiến Đăng, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường. Thời Minh Mạng thứ 19 (1838), cù lao Năm Thôn thuộc tổng Lợi Trường, huyện Kiến Đăng, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường.

Sau khi nhà Nguyễn ký hàng ước Nhâm Tuất (1862) giao 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường cho Pháp, cù lao Năm Thôn nằm trong phạm vi giao nộp cho thực dân Pháp. Người dân Năm Thôn không cam chịu sống chung với giặc và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ phong trào “tỵ địa” nên họ lần lượt bỏ làng sang các tỉnh miền Tây (lúc này miền Tây chưa thuộc về thực dân Pháp) để sinh sống. Chỉ còn ít dân cư ở lại vì nhiều lý do khác nhau. Vì vậy, để tiện quản lý, ngày 6-8-1872, chính quyền nhập bốn thôn: An Thủy Tây, Hòa An, Long Phú và Tân Sơn.

Ngày 20-01-1875, lập làng mới trên cơ sở năm thôn cũ, lấy tên là thôn Ngũ Hiệp thuộc tổng Lợi Mỹ huyện Kiến Đăng, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường.

Ngày 6-11-1933, đơn vị hành chính đổi thôn thành làng thì làng Ngũ Hiệp thuộc tổng Lợi Hòa, huyện Kiến Đăng, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường.

Từ sau 1956, xã Ngũ Hiệp vẫn thuộc tổng Lợi Hòa, huyện Kiến Đăng, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường.

Ngày 9-8-1961, xã Ngũ Hiệp thuộc quận Khiêm Ích, tỉnh Định Tường.

Ngày 10-11-1964, xã Ngũ Hiệp thuộc quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho. Năm 1970, xã Ngũ Hiệp có diện tích tự nhiên là 27,3 km2, dân số là 6.039 người.

Tháng 5-1975, xã Ngũ Hiệp thuộc huyện Cai Lậy, Tiền Giang cho đến ngày nay.

Trong kháng chiến chống Pháp, ta và chính quyền thực dân gọi là xã Ngũ Hiệp, tổng Lợi Hòa, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho. Trong kháng chiến chống Mỹ, ta và chính quyền Việt Nam Cộng hòa gọi là xã Ngũ Hiệp, dân vẫn quen gọi là Cù lao Năm Thôn.

Theo Viên ngọc trên sông Tiền, cù lao Năm Thôn lúc mới định cư, người ta đặt tên là cù lao Trà Tân, vì nó án ngữ vàm rạch Trà Tân (tên Trà Tân sử dụng chung cho cả vùng Trà Tân lẫn vùng Ngũ Hiệp ngày nay).

Khoảng giữa thế kỷ XVIII, dân cư tương đối đông đúc, trên Cù lao cũng hình thành 5 làng: Hòa An, Tân Sơn, An Thủy (còn gọi là An Thủy Đông), An Thủy Tây và Long Phú. Năm làng này thuộc Thuộc Kiến Lợi, Thuộc Kiến Lợi là phần đất nằm trong phạm vi huyện Cai Lậy, cộng thêm vài xã của huyện Cái Bè. Như vậy, Cù lao Trà Tân có 5 làng, đồng thời cũng là Cù lao duy nhất của Thuộc Kiến Lợi nên nó có 2 tên gọi nữa là Cù lao Năm Thôn và Cù lao Kiến Lợi. Hiện nay, tên cù lao Năm Thôn còn được sử dụng phổ biến, còn cù lao Trà Tân hay Kiến Lợi thì ít người biết đến.

Làng Hòa An xưa, nay là địa phận ấp Hòa Hảo và Hòa An. Bấy giờ, dân làng Hòa An sống quây quần bên vàm rạch ông Dú và rạch Kho nên trong bài thơ “Mây Hồng Ngũ Hiệp”, tác giả Lê Hà có đoạn:

“Cù lao Ngũ Hiệp bảy đồn

Nhân dân quét sáu, giặc dồn vào Kho”.

 Chứng tích lịch sử của làng Hòa An xưa hiện nay còn lưu giữ đó là vào năm Tự Đức thứ 5 (1852) ban hai lá sắc thần cho làng.

Trong kháng chiến chống quân Pháp và đế quốc Mỹ, dinh cơ của Đốc phủ Lê Văn Mầu biến thành trung tâm của ngụy quân, ngụy quyền, nên dân gọi là bót Kho.

Làng Tân Sơn cũ chính là khu vực ấp Tân Sơn ngày nay. Cư dân sống tập trung ven rạch Ba Kẽm. Chứng tích lịch sử của làng Tân Sơn xưa hiện nay còn lưu giữ đó là vào năm Tự Đức thứ 5 (1852) ban hai lá sắc thần cho làng.

Làng An Thủy Tây xưa, nay là ấp Thủy Tây, cư dân sống tập trung khu vực rạch Thủy Tây và rạch Chủ Thiệt. Về con rạch Chủ Thiệt theo cụ Nguyễn Văn Trọng, người đến lập nghiệp từ năm 1907, con rạch này có tên rồi, ông Hương Chủ Thiệt chết từ lâu và con cháu cũng  đi nơi khác làm ăn.

Làng An Thủy (hay An Thủy Đông) xưa, nay là ấp Tân Đông. Dân cư làng An Thủy sinh sống quanh rạch Cái Dứa. Làng này ngày xưa có hai ấp Tân Thổ và Tân Đông. Thời Pháp thống trị, ấp Tân Thổ rất nhỏ, độ khoảng 25 gia đình. Làng An Thủy cũng được vua sắc phong nhưng do chiến tranh nên hiện nay sắc phong bị thất lạc.

Phần cuối Cù lao là làng Long Phú xưa, giai đoạn Pháp thống trị, khu vực này có ba ấp: Long Phú, Long Quới và Long Điền. Làng Long Phú có thời gian gọi là làng Hòa Thuận, nay là ấp Hòa Thinh. Cư dân ở làng Long Phú sinh sống quanh rạch Thủ Chánh. Ranh giới của hai làng Long Phú (nay là ấp Hòa Thinh) và làng Hòa An (nay ấp Hòa Hảo) là rạch Lầu (Lầu tức là dinh cơ của tên chúa đảo Taillefer xưa kia).

Trên cù lao Năm thôn có sông Năm thôn, nhánh rẽ của sông Tiền tại khu vực Cồn Tròn chảy qua phía bắc cù lao từ ấp Long Quới đến cồn Tròn 13,4km. Phía bắc có rạch Ông Vú (Ông Dú), rạch Thủ Cẩm, phía nam có rạch Cái Bần, rạch Cái Dứa, An Thủy Tây, vàm Xép, Cái Ngang, xép Ba Kẽm, xép Ông Thiện. Các con rạch nhỏ trên cù lao đổ ra sông Năm Thôn phía bắc và sông Tiền phía nam chia đất đai thành năm Cồn, đó là cồn Bà Huyện, cồn Bà Đặng, cồn Long Đức, cồn Tân Châu và cồn Tròn.

Cồn Bà Huyện (Bà Huyện là người ở Cái Mơn, Bến Tre, có dòng họ với mẹ vợ Đốc phủ Mầu. Năm 1915, Đốc phủ Mầu nhường phần đất này cho Bà Huyện khai phá, nên gọi là Cồn Bà Huyện). Cồn này nhô lên khỏi mặt nước khoảng 80 đến 90 năm trở lại đây. Nhiều cụ già ở xã chứng kiến sự bồi đắp kỳ diệu này. Trong mấy chục năm đầu, mặt đất Cồn phủ lên các loại cây ngâm chân trong nước như vông, bần, cây leo và các loại cây thân thảo thích hợp với bùn, sình, nước trũng.

Cồn Long Đức nằm ở phía bắc Cù lao gần với phần đất liền thuộc xã Tam Bình. Cồn này lúc đầu có tên gọi là Cồn Cả Công. Ông Cả Công tên thật là Huỳnh Thanh Công, người ở làng Bình Chánh Đông đến khai khẩn. Năm 1871, do sức ép của Trần Bá Lộc buộc Cả Công phải nhượng phần đất này cho y. Sau đó, Trần Bá Lộc sát nhập vào Ngũ Hiệp và từ đó có tên là Cồn Long Đức. Trong  thời kỳ kháng chiến, để tiện tổ chức quản lý, cách mạng nhập cồn Long Đức vào xã Tam Bình.

 Cồn Bà Đặng nằm ở phần đất cuối Cù lao Năm Thôn.

Cồn Tân Châu có khoảng 118ha, đây là vùng đất nằm ở đầu Cồn, cặp sông Tiền. Sự hình thành Cồn Bà Huyện và Cồn Tân Châu tương đối nhanh và không đồng đều, tạo nên nhiều con rạch đi tắt. Do vậy, ở đây có nhiều tên gọi rất lạ tai, nhất là đối với những người chưa quen vùng sông nước. Thí dụ: xép Ông Tượng, xép Ba Kẽm, xép này vào năm 1930 còn rất nhiều đàn cá sấu. Tại đây, còn có một di tích chống Pháp đó là những đống đá hàn ngăn tàu giặc.

Cồn Tròn nay là ấp Tân Hòa, ở đầu cù lao phía nam giáp với Cồn Bà Huyện và Cồn Tân Châu. Diện tích hiện có 100ha. Thuở ấy, cồn Tròn là nơi cư ngụ cho các loài khỉ, dơi... nên còn gọi cồn Dơi, cồn Khỉ. Năm 1915, cồn Dơi được khai phá dần, vì vậy mà dơi và khỉ di tản hết, nhân dân căn cứ vào hình thù của đất gọi là cồn Tròn.

Nói đến Năm Thôn, chúng ta không thể không nói đến con người với những giá trị tinh thần và truyền thống cao quý.

Cù lao Năm Thôn xưa kia là một vùng đất hoang vu, có nhiều loài thú như cọp, cá sấu, heo rừng và một số động vật khác như khỉ, dơi... Vào giữa thế kỷ XVII, người Việt từ vùng Ngũ Quảng vào khai hoang, lập nghiệp. Họ dùng ghe bầu nan đi theo mé biển, vượt sóng gió đến “cây đa cửa cổng” ở Gò Công định cư rồi theo cửa Tiểu, cửa Đại lấn dần vào vùng đất mới. Người đi khai hoang có nhiều nguyên nhân: do nạn phân tranh của hai tập đoàn phong kiến Trịnh–Nguyễn; dân nghèo thiếu đất canh tác, dân võ biền phiêu lưu; một số ít thuộc tầng lớp trên là quan lại cấp thấp bị chèn ép… họ bỏ quê di cư vào phía nam. Hiện nay, chưa có tư liệu nào cho biết chắc chắn người Việt đến định cư trên đất Năm Thôn khi nào nhưng minh chứng rõ ràng nhất là vào năm 1732, cách cù lao không xa, chợ Cái Bè  trở thành lỵ sở dinh (tỉnh) Long Hồ.

Do môi trường thuận lợi, thiên nhiên ưu ái và vốn là người rời bỏ quê hương vì không chịu sự bất công, áp bức mà quần tụ về đây xây dựng cuộc sống nên họ rất yêu chuộng công bằng, sẵn sàng cưu mang những người cùng cảnh ngộ, gặp việc bất bình, gặp người nguy khốn không thể làm ngơ. Họ sống giữa bốn bề sông nước nên người dân ở đây có tinh thần phóng khoáng sẵn sàng giao du và tiếp đón nồng hậu với bất kỳ người khách nào, thậm chí “dốc túi vì bằng hữu”. Do đó, tính cách người Ngũ Hiệp thể hiện rõ nét: phóng khoáng, hào hiệp, trọng nhân nghĩa, xem nhẹ tiền bạc, ghét áp bức bất công, yêu chuộng công lý, tự do và có lòng yêu nước nồng nàn.

Người dân Năm Thôn dày công khai khẩn đất nên càng yêu mến quê hương đất nước, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc. Từ  khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, những người yêu nước Năm Thôn sớm đến với Đảng, tiếp nhận đường lối cứu nước mới, trở thành những đảng viên cộng sản, những chiến sĩ cách mạng. Từ đó, Ngũ Hiệp vượt qua khó khăn gian khổ, liên tục đấu tranh giành thắng lợi này đến thắng lợi khác.

 Hiện nay, xã Ngũ Hiệp có 8 ấp, đó là: Tân Hòa, Hòa An, Hòa Hảo, Hòa Thinh, Long Quới, Tân Đông, Thủy Tây, Tân Sơn.

Năm 2010, dân số của xã có 16.206 người với 4.105 hộ gia đình, mật độ trung bình 583 người/km2. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1%/năm. Dân cư chủ yếu là người dân tộc Việt (Kinh). Dân cư phân bố không đều trong địa bàn. Dân tập trung đông nhất tại ấp Hòa Thinh, Long Quới, Tân Đông, Thủy Tây, Tân Sơn.

Về tôn giáo: xã Ngũ Hiệp có các tôn giáo, tín ngưỡng như là: 02 Giáo xứ Long Quới và Ngũ Hiệp, chùa Chơn Thường I ở ấp Hòa Thinh, chùa Chơn Thường II ở ấp Thủy Tây và chùa Hữu Phước ở ấp Tân Sơn. Đình Hòa An, đình Tân Sơn, đình Long Phú ấp Hòa Thinh và ba Miếu Bà ở các ấp Long Quới, Thủy Tây, Tân Đông. Xã có trên 2.000 người theo đạo Thiên Chúa, 150 người theo đạo Hoà Hảo, có khoảng 100 người theo đạo Cao Đài, có trên 2.500 người theo đạo Phật, số còn lại là không theo đạo. Mặc dù có nhiều tôn giáo trên vùng đất này nhưng bao đời nay họ sống hòa thuận “tốt đời đẹp đạo”, “sống phúc âm trong lòng dân tộc” đoàn kết xây dựng quê hương.

 Về y tế: xã có 1 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, có 01 bác sĩ, 03 y sĩ, 02 dược sĩ, 7/8 ấp có tổ y tế thực hiện tốt khám và điều trị bệnh ban đầu cho nhân dân, làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, quản lý bệnh xã hội, tiêm chủng mở rộng.

Về giáo dục: xã có 01 trường mẫu giáo tại ấp Hòa Hảo, 02 trường tiểu học: trường tiểu học Ngũ Hiệp 1 tại ấp Hòa Hảo, trường tiểu học Ngũ Hiệp 2 tại ấp Hòa Thinh; trong đó, trường tiểu học Ngũ Hiệp 1 đạt chuẩn quốc gia,  01 trường trung học cơ sở tại ấp Hòa Hảo.

Về văn hóa-xã hội: xã có 8/8 ấp đạt ấp văn hoá. Hoạt động văn hoá thông tin phát triển, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của người dân. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” được nhân dân tham gia thực hiện. Các ấp đều có quy ước, thực hiện nếp sống văn hoá trong việc cưới, tang, lễ hội.

Ngũ Hiệp là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội. Nhân dân có lòng nhiệt tình cách mạng, cần cù trong lao động sản xuất, có tính sáng tạo, biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động, biết vượt qua thử thách, khó khăn để chiến thắng đói nghèo, vươn lên làm giàu. Nhân dân Ngũ Hiệp đã vùng lên giành quyền làm chủ và thành lập chính quyền Cách mạng trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Sau đó, nhân dân Ngũ Hiệp anh dũng bước vào hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược tới thắng lợi cuối cùng.

 Trong công cuộc đổi mới, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với truyền thống yêu quê hương đất nước, Đảng bộ và nhân dân xã Ngũ Hiệp xây dựng thành công xã văn hoá. Đặc biệt, thực hiện theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chương trình hành động của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ và Đảng uỷ; Quyết định số 491/QĐ –TTg ngày 16-7-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về  nông thôn mới; Quyết định số 800/QĐ –TTg ngày 04-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020; Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh uỷ, kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện triển khai thực hiện bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh và huyện Cai Lậy.

 Xã Ngũ Hiệp được chọn là 1 trong 8 xã của lộ trình ra mắt xã nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 của huyện Cai Lậy. Đảng bộ, chính quyền xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và là giải pháp thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Được sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo của Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện, các Sở, Ban ngành tỉnh, các phòng ban chuyên môn cấp huyện cùng với sự quyết tâm cao thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và sự đồng thuận của nhân dân, Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân xã xây dựng Nghị quyết, ban hành các kế hoạch lãnh đạo, điều hành tổ chức triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới cho cả hệ thống chính trị và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Sau 05 năm thực hiện (2013–2017) ngày 04/01/2017 Ngũ Hiệp vinh dự đón nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của Huyện Cai Lậy. Đến năm 2022, xã Ngũ Hiệp được UBND tỉnh ra Quyết định xã Nông thôn mới nâng cao.

Thống Kê Truy Cập Thống Kê Truy Cập

Đang truy cập:
-
Hôm nay:
-
Tuần hiện tại:
-
Tuần trước:
-
Tháng hiện tại:
-
Tháng trước:
-
Tổng lượt truy cập:
-